Những bức ảnh chụp số hàng viện trợ của Trung Quốc hạ cánh xuống sân bay Heathrow, Anh, cuối tuần qua, với những chiếc thùng được dán nhãn "Hãy bình tĩnh và điều trị nCoV ", được hãng thông tấn Xinhua đăng tải và quảng bá đến khán giả Anh như "chính sách ngoại giao khẩu trang". Trên Twitter, mạng xã hội bị cấm tại Trung Quốc, một số nhà ngoại giao trẻ chia sẻ nghi ngờ rằng phương Tây đã tạo ra nCoV để gây mất uy tín cho chính quyền Trung Quốc.
Giáo sư Kerry Brown, trợ lý chương trình châu Á - Thái Bình Dương tại tổ chức nghiên cứu Chatham House, cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực biến thảm hoạ quốc gia thành một chiến thắng toàn cầu. "Họ đang nỗ lực phản công một số quan điểm chính trị hoá vấn đề này tại Mỹ và cố gắng kiểm soát vấn đề trước khi vượt khỏi tầm kiểm soát".
Li Aihua, chủ tịch ngân hàng Trung Quốc tại Canada (trái) trao tặng 7,5 tấn vật tư y tế tại Toronto, Canada. Ảnh: China News Service |
Trung Quốc từ lâu đã than phiền về việc truyền thông phương Tây đưa tin không công bằng và gần đây trục xuất nhiều nhà báo phương Tây. Những năm qua, nước này đầu tư một lượng tiền khổng lồ vào hạ tầng tin tức bằng tiếng Anh để quảng bá hình ảnh ra khắp thế giới.
Đi đầu trong công cuộc này là kênh tin tức tiếng Anh 24 giờ CGTN. CGTN đã bắt đầu phát sóng tin tức từ văn phòng mới tại phía tây London, Anh, tuyên bố có sứ mệnh "đưa tin từ quan điểm Trung Quốc".
Tuần qua, kênh này phát sóng một loạt câu chuyện truyền cảm hứng về các bác sĩ Trung Quốc cứu sống bệnh nhân trong đại dịch, video về các chuyến hàng cứu trợ đến châu Âu và châu Phi, hình ảnh nền kinh tế Trung Quốc đang hồi phục sau lệnh phong toả. Bên cạnh đó còn có những thông tin khác lạ như một người đàn ông Ethiopia tin rằng mình có thể ngăn ngừa lây nhiễm nCoV bằng cách đặt tỏi lên mũi.
Chiều 2/4, CGTN phát sóng một loạt cuộc phỏng vấn với các nhà ngoại giao và nhân viên y tế Trung Quốc ở khắp châu Âu, trong đó người dẫn chương trình nói rằng "Trung Quốc đang chia sẻ những kinh nghiệm chống Covid-19 vô giá cho những quốc gia đang nỗ lực khống chế cuộc khủng hoảng".
Kênh này cũng phỏng vấn đại sứ Trung Quốc tại Hà Lan, người chỉ trích cách truyền thông phương Tây đưa tin về hoạt động viện trợ: "Họ có thực sự muốn Trung Quốc sát cánh? Tôi cho rằng dư luận phương Tây đánh giá cao Trung Quốc và sự hỗ trợ của Trung Quốc".
Ngoài các kênh truyền hình, Twitter, mạng xã hội bị cấm tại Trung Quốc, gần đây cũng trở thành mặt trận tuyên truyền mới. Trong năm qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và ngày càng nhiều nhà ngoại giao nước này tham gia Twitter, đăng các bài viết bằng tiếng Anh và bày tỏ quan điểm về các vấn đề từ nhân quyền đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người được ví với Tổng thống Trump vì tính dân tộc chủ nghĩa trên Twitter, tháng trước chia sẻ những đường dẫn đến các trang web thuyết âm mưu, cho rằng nCoV do Mỹ tạo ra.
Các nhà nghiên cứu an ninh mạng Record Future cho hay họ nhận thấy sự thay đổi rõ rệt về giọng điệu trên các tài khoản mạng xã hội của Trung Quốc từ giữa tháng 2, trong đó nước này tìm cách phiên dịch biến Trung Quốc từ "nguồn gốc của đại dịch sang vai trò lãnh đạo toàn cầu trong ứng phó Covid-19".
Nhân viên y tế Trung Quốc chụp ảnh lưu niệm hôm 13/3 sau khi đến Rome, Italy để hỗ trợ ứng phó Covid-19. Ảnh: AFP |
Theo cách tiếp cận này, hàng chục bài báo của tờ People’s Daily đã xuất hiện trên báo Anh Daily Telegraph theo một thoả thuận tài trợ sinh lợi với những tiêu đề như "Tại sao một số người xem nỗ lực ngăn chặn nCoV đầy anh hùng của Trung Quốc là phi nhân đạo?". Nhiều bài trong số này đã bị gỡ khỏi Daily Telegraph những ngày gần đây, BuzzFeed News đưa tin.
Các công ty Trung Quốc cũng nỗ lực hết sức để thể hiện vai trò trong đại dịch. Tập đoàn Huawei đã tặng hàng nghìn khẩu trang cho Anh với khẩu hiệu "Chúng ta cùng nhau ủng hộ Hệ thống Y tế Quốc gia (NHS)".
Có một điều chưa rõ là liệu khán giả phương Tây có bị tác động trước các thông tin từ Trung Quốc hay không. Lượng người xem của CGTN không được công bố, trong khi trang Facebook tại Anh của Xinhua rất ít tương tác. Tuy nhiên, giáo sư Brown cho rằng cách tuyên truyền của Trung Quốc quá bảo thủ và lộ liễu so với cách tuyên truyền hiệu quả và kín kẽ hơn ở những nước như Nga.
Pháp cũng trở nên cảnh giác trước những nỗ lực của Trung Quốc lợi dụng đại dịch để ca ngợi sự ưu việt của hệ thống chính trị. Trong một lưu ý nội bộ, CAPS, tổ chức nghiên cứu của Bộ Ngoại giao Pháp, cảnh báo Trung Quốc sẽ kiểm soát toàn cầu hoá và lãnh đạo toàn cầu trong tương lai sau Covid-19, nếu các chính quyền dân chủ không đưa ra được những giải pháp tốt hơn khi cuộc khủng hoảng qua đi.
"Thậm chí nếu Trung Quốc không thể tuyên bố vai trò lãnh đạo như những gì Mỹ giả định cách đây vài năm, Trung Quốc cũng đã chiếm ưu thế khi khiến mình trở nên quan trọng, thậm chí đóng vai trò trung tâm", văn bản này cho hay.
Anh Ngọc (Theo Guardian )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét